Wednesday, June 20, 2012

Bánh su kem


Bánh su kem

Lâu lắm rồi mình mới làm lại loại bánh này. Bánh su làm tương đối dễ. Mình làm theo công thức của Challenge:
Nguyên liệu
Vỏ bánh:


- 250ml nước
- 100gr bơ
- 150gr bột mỳ
- 5 quả trứng
- 1 chút muối
- 10gr đường
Nhân:
- 250ml sữa
- 50g đường
- 3 lòng đỏ
- 50 g bột
- 50ml kem tươi (hoặc thêm 50ml sữa nữa). Mình dùng sữa chứ không dùng kem tươi.
- 1 chút vani
- 1 chút muối
Cách làm:
Vỏ : Đun nước + bơ + muối đến lúc sôi lăn tăn. Cho bột vào và khuấy nhanh tay, khoảng 1-2 phút Cho đến khi cục bột không dính vào thành và đáy nồi, có thể vo lại thành 1 khối được. Nhấc nồi ra khỏi bếp, để khoảng 5′ cho nguội bớt. Cho từng quả trứng khuấy đều(Mình cho máy đánh trứng vào đánh số nhẹ cho khoẻ). Hỗn hợp sau khi cho trứng sẽ rất bóng mượt và mịn. Cho vào túi bắt bông kem, dùng đuôi sò lớn nhất, nặn trên giấy nến đặt sẵn trên khay.
Nướng nhiệt độ 220 độ C trong vòng 25-30 phút tuỳ kích cỡ của bánh.
Nhân: Cho tất cả nguyên liệu làm nhân khuấy đều. Đặt lên bếp đun nhỏ lửa, vừa đun vừa khuấy cho khỏi vón cục. Đến khi hỗn hợp đặc lại thì dừng, nếu hỗn hợp chưa mịn thì lấy máy đánh trứng đánh vài vòng, sau đó đổ ra bát lớn, lấy giấy nylon bọc đồ ăn đậy kín. Khi nhân nguội bớt, cho vào tủ lạnh làm lạnh. Khi vỏ choux thật nguội mới cho nhân.
Mình thử nặn hình thiên nga, nhưng xem ra nó giống vịt hơn.

Ghẹ rang me

11

10

9
Ghẹ rang me, khi post bài này lên thì có những ý kiến như vậy, chị tham khảo hén, em thì vẫn thích cách của mình làm, nếu chị thích có thể bỏ yếm.
1) Con ghẹ chưa bóc yếm ( h.6 ) sẽ có mùi khai. Cua hay ghẹ trước khi chế biến phải rửa sạch và bóc yếm bỏ đi , đó là cơ quan bài tiết của chúng.
2). Muốn thịt cua và ghẹ thấm gia vị ướp phải bóc mai, bẻ làm hai miếng, tẩm ướp gia vị sau hai nửa tiếng đặt trong ngăn mát tủ lạnh, sau khi chế biến thành phẩm xếp ra đĩa chụm hai miếng lại và úp mai lên để có nguyên hình ảnh ban đầu
3). Cách làm không ướp hành , tỏi, dầu hào...mà chỉ có phần lá hành, trong khi hành khô hay đầu hành đập dập để ướp các loại hải sản là cần thiết để khử mùi tanh và dậy mùi thơm
Nguyên liệu:

- 3 con ghẹ to
- 1 vắt me khô hoặc 1 quả me tươi
- Nước mắm, muối, đường
- Ớt màu
- Hành lá.

Cách làm:

- Để chọn ghẹ chắc thịt, bạn bấm tay vào sát phần yếm (phía dưới ức, gần chân mái chèo), nếu không lõm thì đó là ghẹ chắc thịt. Nếu muốn chọn ghẹ có gạch thì bạn để ý các chân của chúng khi bóp rất chắc chứ không mềm hoặc hơi lõm.

- Đun nóng dầu ăn, đổ ghẹ vào chiên lửa lớn, thỉnh thoảng trở mặt kia, chiên vàng, vớt ghẹ ra đĩa có lót giấy thấm dầu ăn.

- Me chần qua bát, thêm ít nước sôi, chần cho me tan, lấy nước cốt me, bỏ hạt.

- Đổ nước cốt me vào nồi, thêm đường, muối, nước mắm, nêm nếm hơi chua chua, ngọt ngọt là vừa. Đun sôi đến khi hỗn hợp nước sốt me đặc lại, thêm ớt màu, hành lá đã thái nhỏ vào.

- Sau cùng đổ ghẹ vào hỗn hợp nước cốt me đã đun, dùng đũa đảo đều đến khi hỗn hợp nước cốt me bám đều quanh bên ngoài thân ghẹ.

- Tắt bếp, đổ ra đĩa dùng nóng.

Thursday, June 14, 2012

Tương ớt chua ngọt


Thành phần
♥ 7 – 8 trái ớt sừng (nếu thích cay thiệt cay thì cho thêm 2 trái ớt hiểm, hoặc 1 muỗng ớt khô)
♥ 185ml (¾ cup) white wine vinegar/rice vinegar
♥ 8 tbsp đường nâu
♥ chút muối (thích mặn thì cho nhiều muối)
♥ option – 3 tbsp cranberries khô/ nho khô
Chili jam  7198
Cách làm
♥ Cho ớt vào lò bake 350°F (175°C) khoảng 10′ nếu không thì phơi héo héo để làm giảm lượng nước trong ớt tươi. Nếu không thích hạt ớt thì rạch bỏ hạt trước khi bake.
♥ Cho ớt, cranberries khô, giấm, chút muối vào máy xay sinh tố, xay ít nhuyễn hơn sinh tố.
♥ Cho hỗn hợp ra xoong/chảo nhỏ, bắc lên bếp, lửa trung bình. Cho đường vào, khuấy đều cho đường tan & sôi…lụp bụp.
♥ Hạ lửa xuống low, vẫn khuấy đều khoảng chừng 5′ hoặc đến khi hỗn hợp sệt như ý. Nếu không có cranberries khô/quả khô thì hỗn hợp sẽ lỏng hơn, sau khi đường tan, cứ để lửa nhỏ, thỉnh thoảng khuấy cho đến khi hỗn hợp sệt thành tương. Túm lại dễ hiểu là giống như làm jam/jelly/mứt ăn bánh mì vậy đó. (^-~)
Chili jam  7200
Với thành phần trên làm được nhiêu đó (^-^)
Chili jam  7201
tăng gấp đôi thành phần thì được nhiêu đây (^-~)
Chili jam  7203
màu đẹp hén…hí..hí… bạn H làm cay vừa vừa thôi à
Chili jam  7204
chả giò hay tôm/mực chiên xù chấm tương này ăn ngon vét luôn á!..khà..khà… (^____^)
Chili jam  7205

Rượu trái cây


Bạn H thi thoảng có làm rượu trái cây homemade mà để….ướp thịt nướng. Hoặc là các món nào mà trong thành phần có “rượu vang”, mà nhà không phải lúc nào cũng có rượu vang khui sẵn, thì bạn H cũng “chơi” rượu trái cây homemade luôn… (^__^)
Dài dòng như vậy để nói thêm rằng là rượu trái cây mà chị em mình làm tại nhà, ướp thịt nướng dzất là ngon, chứ không chỉ dùng để…uống thoai nha!
Còn đây là cách làm rượu trái cây bạn H học làm theo bếp của Sức Sống Mới. Tình thiệt là nó dễ ẹc à, học là học cách cho liều lượng đường thôi… (^__^)
Theo bếp Sức Sống Mới thì tỉ lệ như sau: 1kg nho ngọt – ½kg đường.
♥ Nho rửa sạch, cắt đôi để bỏ hạt. Xay nho cũng được, mà không xay cũng được. Bạn H làm thì không có xay nho ra.
♥ Keo/lọ thủy tinh thật khô sạch, cho 1 lớp nho, 1 lớp đường, 1 lớp nho, 1 lớp đường… đến hết thì thôi.
♥ Đậy lại, để ở nhiệt độ phòng cỡ vài tuần là nho bắt đầu lên men, thành rượu. Mà thường là để càng lâu thì càng thơm nồng ngon. Khoảng trên 2,3 tháng gì đó, tùy mình đi nha. Đem ra, lượt bỏ phần xác nho, là có rượu để dùng roài. Người ta nói khi ủ rượu cần ủ ở nơi nhiệt độ ổn định thì trái cây mới dễ lên men. Vì vậy mà rượu thường được ủ dưới hầm – nơi mà nhiệt độ mát & ít thay đổi. Nhà mình không có hầm, ủ có vài keo chút xíu để nấu nướng thoai à, cho nên ủ trong….tủ bếp cũng được…heheh…miễn đừng ủ trong tủ lạnh là được roài….khà..khà… (^__^)
Thêm nữa, trái cây mà khô tự nhiên thì lượng đường nó sẽ tích tụ nhiều hơn. Cái này bạn H có “kinh nghiệm” từ nhỏ hay “phơi dâu da xoan để nguyên vỏ” trên nóc nhà đến khi khô lại thì đem xuống ăn nà, nó ngọt kinh khủng!!! Có  lần đọc trên blog của ai trong xóm blog này nà, (hình như em Chip thì phải??), cũng có kể rằng là người ta thường “treo” nho trên giàn cho đến khi nho khô đi thì mới đem ủ rượu, thành ra rượu nho mới ngọt ngon…
Lượng đường trong trái cây sẽ “quyết định” thời gian lên men rượu, cũng như độ ngọt hay chát của rượu (nghe nói vậy…heheh…). Cho nên, tùy vào trái cây chua chua ngọt ngọt hay thiệt ngọt mà mình gia giảm lượng đường ở trên. Ví dụ, bạn H làm cherry thì bạn H vẫn giữ nguyên lượng đường như trên (1 – ½). Nhưng nếu bạn H làm bằng nho chua chua ngọt ngọt, hay muscadine thì bạn H thường tăng tỉ lệ lên là (1 – ¾).
Với rượu trái cây tại nhà, lúc mình ướp thịt nướng thì thơm thơm mà ngọt ngọt, rất là…đã! (^__^)
Home-made wine  4166-1
Cherries & Strawberries
Tình thiệt là chưa bao giờ mua trái cây dzìa làm rượu hết à, toàn là trái cây “xuống sắc” thì thay vì làm mứt, bạn H đem đi làm rượu vậy thoai. “Trùm thị Sò” nó dzậy á!…khà…khà…(^__^)
Ruou homemade  5045-1
Rượu cherry cho ra màu đỏ cực đẹp….hị..hị… (^__^)

Friday, June 8, 2012

Lê hầm mật ong


Nguyên liệu: (1 phần)

- 1 trái lê
- 3 muỗng canh mật ong
- 1/2 cup đường cát
- 1 hoa hồi khô
- 1 mẩu quế
- 100ml nước ép lê (loại nước trong)

Cách làm:

Lê gọt vỏ, chừa cuốn, dùng dụng cụ lấy lõi để lấy lõi lê ra từ đấy, nếu không có cũng không sao, khi ăn có thể tự chừa ra.

Trong 1 cái nồi nhỏ (rất nhỏ, chỉ vừa đủ trái lê càng tốt), rót nước vào và đảm bảo nước ngập lê. Tuy nhiên, không cho lê vào lúc này. Cho vào nồi 3 muỗng canh mật ong, 1 cup đường cát, hoa hồi và quế. Nấu cho sôi, sau đó  vặn lửa nhỏ lại và nấu liêu riêu. Lúc này cho lê vào. Dùng giấy nướng bánh cắt thành vòng tròn vừa bằng miệng nồi, đậy trên mặt nước. Nấu lửa liêu riêu trong vòng khoảng 15-20 phút cho đến khi lê vừa mềm.

Sau khi lê mềm, đem để vào chén và giữ trong tủ lạnh trong khoảng 1 tiếng cho đến khi lê lạnh.

Dùng 1 chén mước hầm lê cho vào nồi, cho 100ml nước ép lê vào, nấu cho sôi lên, sau đó đổ ra chén, giữ lạnh.

Khi ăn cho lên vào đĩa sâu lòng, rót nước lê vào và thưởng thức thôi.

cháo cá 3 món ngày đông


Nguyên liệu: (1 người ăn)

- 2 miếng fillet cá Basa (khoảng 300gr cá)
- Tỏi bằm
- Hành lá
- Dầu olive
- Bơ
- Muối
- Tiêu
- Đường
- Nước cốt chanh
- Cỏ xạ hương (thyme)
- Dấm
- Rượu trắng
- Nước dùng hoặc bột nêm
- Ớt
- Nước mắm
- Bột bắp

Cách làm:

Đem fillet cá rửa sơ, sau đó cắt khúc chừng 3 cm, chia đều ra 3 phần.

Cá hấp sốt chua ngọt:

Trong 1 chén, cho vào 2 muỗng canh nước cốt chanh, 1/2 muỗng canh rượu trắng, 1/2 muỗng cà phê muối rồi cho cá vào trộn đều và để cho ngấm trong khoảng 20 phút.

Tróng lúc chờ ta làm sốt chua ngọt, công thức sốt chua ngọt của mình chưa hoàn chỉnh nên chỉ hướng dẫn sơ bộ, mọi người tự mình nêm nếm nhé.

Trong nồi cho chút dầu olive vào, cho tỏi nằm  và đảo sơ, sau đó cho ớt vào đảo sơ rồi cho vào nửa muỗng canh rượu trắng, cho rượu sôi 1 chút rồi cho nước dùng vào. Kế tiếp là dấm, đường và 1 chút muối, nêm nếm vừa ăn.

Sau khi ướp cá, đem cá đi hấp cách thủy, nước ướp cá không nên đổ mà nên cho vào nước hấp sẽ cho cá nhiều mùi vị hơn. Đó là cách cơ bản nhưng ở đây để tăng mùi vị cho cá, mình đã dùng kết hợp1 phương pháp nấu ăn của phương tây là: En Papillote, nói đơn giản là gói giấy. Thông thường phương pháp này dùng với lò nướng. Dùng giấy nướng bánh gói cá và nước ướp cá lại, gói như hình phong thư, đặt gói cá vào nồi hấp tre và hấp trong vòng 2-3 phút là cá chín.
Khi bày ra thì đặt cá lên đĩa, rưới nước sốt chua ngọt lên và rắc vài lát hành lá trên mặt.



Cá chiên tỏi

Trong 1 chén trộn 2 muỗng canh tỏi bằm, 1/2 cà phê tiêu, 1/2 muỗng cà phê nước mắm, 1/2 muỗng canh dầu olive, trộn đều. 

Bắt chảo lên, cho dầu vào, đợi dầu sôi già thì thả cá vào chiến vàng đều 2 mặt thật nhanh, sau đó chắt dầu ra khỏi chảo, đổ hỗn hợp tỏi vào r rồi đảo đều cho tỏi vàng, sau đó là ăn được rồi.


Cá chiên bơ chanh và cỏ xạ hương

Trong tô, cho vào 1 muỗng cà phê dầu olive, 2 muỗng canh nước cốt chanh, muối, tiêu và lá cỏ xạ hương, ướp cá trong 20 phút cho thấm.

Bắt chảo ít dầu và 1 thỏi bơ, khi bơ chảy và sôi thì thả cả vào chiên nhanh, rắc thêm 1 chút tiêu trên mặt. Đảo đều cho chín vàng.

Gắp cá ra khỏi chảo, đổ vào chảo nước ướp cá vừa rồi, nấu cho sôi lên, sau đó cho bơ thỏi và 1 chút lá xạ hương vào cho đến khi nước cạn dần và hơi đặc lại.

Rưới nước sốt lên cá, trang trí với vài nhánh cỏ xạ hương.


Cá đã xong, múc cháo ra chén, rắc vài lát hành, 1 chút tiêu, ai thích có thể thê chút gừng sợi, thế là đã có món cháo cá 3 món vừa ngon vừa ấm.



Trifle dâu tây mùa hè


Nguyên liệu: (cho 1 ly trifle)

- Greek yoghurt (ya - ua chua)
- Dâu tươi
- Đường cát
- Vanilla essence (có thể thay = vanilla ống)
- Rượu đỏ (*)
- Nước cốt chanh
- Lá bạc hà (dùng trang trí)

Cách làm:

Làm strawberry compote nhé. Dâu tươi rửa sạch, bỏ cuốn, sau đó cắt nhỏ hạt lựu. Dùng khoảng 100 - 120gr dâu tươi.

Trong 1 cái nồi nhỏ, tốt nhất là loại có tay cầm (sauce pan), cho vào 3 muỗng canh nước (1 muỗng canh tiêu chuẩn = 15ml), 3 muỗng canh đường cát. Để lửa nhỏ liêu riêu nấu cho đến khi đường tan ra. Sau đó cho dâu tươi đã cắt nhỏ vào trộn đều. Thêm vào 1/2 muỗng cà phê vanilla essence (1 muỗng cà phê tiêu chuẩn = 5ml), 1/2 muỗng canh nước cam và 1 muỗng cà phê rượu đỏ (*). Vẫn để lửa liêu riêu nấu cho đến khi hỗn hợp dâu sệt lại. Cho ra chén và giữ trong tủ lạnh vài giờ cho lạnh trước khi ăn
* Rượu đỏ có thể cho vào hoặc không, tùy vào mỗi người. Hơn nữa, rượu đỏ cho vào sẽ làm tăng hương vị nhưng lại có rất nhiều đường nên nồng độ rượu sẽ tăng cao hơn bình thường, phải thật cẩn thận. 1 điều nữa, rượu đỏ có nhiều loại, vì đây là món ngọt nên để tăng thêm hương vị của dâu và đường nên chọn những loại như Pinot Noir, Cabernet Sauvignon hoặc Shiraz vị ngọt sẽ tốt hơn. Tuy nhiên về cơ bản thì loại nào cũng được.

Sau khi Strawberry compote đã lạnh, đến lúc làm trifle. Để tăng độ hấp dẫn của món ăn, nên sử dụng các loại ly thủy tinh: ly uống nước, ly kem hay ly rượu đều được. Dưới đáy là 1 lớp compote, sau đó là 1 lớp yoghurt, lại 1 lớp compote, 1 lớp compote, lớp trên cùng là yoghurt. Sở dĩ dùng loại Greek yoghurt vì loại này rất chua, compote rất ngọt nên dùng chung với loại ya - ua chua. Trên cùng trang trí bằng 1 trái dâu tươi, lá bạc hà và 1 chút compote còn sót lại. Vậy là có được món trifle dâu tây mùa hè mát lạnh.

Chè trôi nước


Nguyên liệu: tùy nhiều hay ít và viên trôi nước lớn hay nhỏ mà mọi người tự canh bột nhé.

- Bột nếp (chính)
- Bột gạo (optional)
- Đậu xanh cà
- Đường thẻ
- Gừng
- Đường cát
- Nước nóng

Cách làm:

Lưu ý là đây là chè trôi nước ngọt hoàn toàn (có thể xem là bánh trôi người Bắc).

Đậu xanh cà ngâm nước cho mềm, nấu chín rồi tán nhuyễn. Có thể dùng máy xay thức ăn để xay.

Nếu bạn muốn pha với bột gạo thì tỉ lệ là 4 phần bột nếp và 1 phần bột gạo. Dùng bột nếp không thì viên trôi nước dẻo hơn.

Nước đun sôi và bắt đầu trộn đều với bột. Cho nước từ từ vào và nhồi cho đến khi bột "đứng", nghĩa là đủ mềm để nặn mà không quá nhão như hồ. Nếu bạn lỡ tay cho nhiều nước quá thì chỉ còn cách thêm bột cho đến khi bột đông lại.

Nhào bột thật kĩ và để bột nghỉ 15 phút.

Đậu xanh sau khi cà thì cho thêm chút đường rồi trộn lại (vì đây là chè trôi nước ngọt), sau đó vò thành viên nhỏ.

Đường thẻ cắt thành thỏi nhỏ bằng viên đường uống trà.

Bột đã nghỉ rồi đem cắt thành những viên nhỏ, vò lại, sau đó dùng chày cán bột cán ra thành hình tròn, cho nhân vào giữa (đậu xanh hoặc đường thẻ), túm lại và vò thành viên tròn.

Nấu nồi nước sôi, đợi khi nước thật sôi thì cho viên chè vào, đợi đến khi viên chè nổi lên mặt thì là chín.

Trong 1 nồi khác nấu nước đường thẻ và vài lát gừng. Khi viên chè chín thì cho vào nồi nước nóng này (nóng chứ không sôi nhé). Bạn cũng có thể nấu chè trong nồi nước đường gừng này cũng được. Vì đây là tùy khẩu vị mỗi người nên mình không ghi liều lượng.

Chè trôi nước khi ăn rắc chút mè lên mặt và nước cốt dừa (nếu ai thích nước cốt dừa).


Steak và khoai nghiền (đơn giản)


Bít-tết thì là phát âm của từ tiếng Anh: beef steak. Nhưng không phải nói vậy là chỉ có bò mới có steak, các con khác cũng có steak, vd như là cừu, kangaroo... Thực ra steak là một miếng cắt của thịt thôi chứ không phải là gì đặc biệt. Chủ yếu là cắt từ thịt lưng bò (Porter house steak), vì lưng bò là cơ ít chuyển động nên thịt mềm. Nói tới Úc thì chắc ai cũng biết bò Úc ngon hàng đầu thế giới, đứng ngang với bò Kobe được vỗ bằng bia đen. Bò Úc thịt mềm mại, vị lại ngon, đậm đà, chất lượng dinh dưỡng trong thịt lại cao. Miếng thịt bò Úc nhìn là đã thấy khác, màu thịt sẫm, đỏ sậm chứ không như bò Việt Nam có màu đỏ hơi tươi hơn. 

Thịt bò Úc vẫn mắc ngay trên đất Úc. Giá thành tùy vào loại thịt, độ mỡ, miếng cắt. Giá cao nhất là phần Fillet bò, giá tầm AUD 22-23 (và có thể cao hơn nữa)/ kg, và kế đến là thịt lưng. Nhưng dù gì thì cũng thật đáng cho 1 miếng bò ngon.

Từ hồi ở Việt Nam mình đã ngạc nhiên khi Việt Nam mình làm "bò bít-tết" rất là ngộ. Miếng steak cơ bản nhỏ nhất phải to bằng bàn tay người lớn, độ dày có thể từ 1-2cm. Có nhiều chỗ ở VN rất "dễ thương" khi bán bò lúc lắc hay bò né mà la lớn rằng là "bò bít-tết". Thêm nữa cách đây chừng nửa năm, mình vô tình đọc trên kenh14 về 1 quán ăn "Tây" giá rẻ ở Sài Gòn. Sau khi click link và nhìn tấm hình thì mình dội ngay lập tức khi thấy đĩa bò steak nhìn như luộc, trong 1 cái đĩa có 1 mớ khoai tây chiên kế bên và hầu như bị "dìm hàng" trong bao nhiêu là nước sốt thịt. Đây là 1 điều cơ bản của nấu ăn phương Tây: không rưới sốt lên hơn 30% phần thịt và hoàn toàn không có cái kiểu đổ nước sốt "khuyến mãi mua 1 tặng 10" như thế.

Bởi cách mình làm steak ở đây là cách làm steak đúng kiểu Tây chứ không phải kiểu nửa mùa mà nhiều quán và kể cả nhà hàng VN vẫn làm mà luôn quảng cáo là món Tây. Xin lỗi vì hơi bức xúc nhưng là 1 đầu bếp thì những việc như thế giống như sỉ nhục nghề nghiệp của mình. 

Thôi bỏ qua phần bức xúc và nhào vào món steak này. Đây là version đơn giản chỉ thực hiện trong chừng 20 phút - nửa tiếng.

Nguyên liệu: (1 phần)

- 1 miếng steak lưng bò khoảng 100-120gm, độ dày chừng 1.5 -2cm
- Muối
- Tiêu
- Bơ (lạt)
- Tỏi
- Rượu đỏ
- 1 củ khoai tây to chừng nửa nắm tay
- Kem tươi
- Dầu olive

Cách làm:

Bạn có thể mua 2-5 kg thịt lưng bò chưa cắt về nhà làm cũng được (cho cả nhà ăn). Đầu tiên là dùng dao bén cắt hết tất cả các phần mỡ, gân khỏi miếng thịt bò. Sau đó thái ra thành những miếng steak có độ dày chừng 2 cm là đẹp.

Lưu ý là cách mình làm ở đây khi làm xong thịt bò sẽ chín ở độ rare - medium rare. Nghĩa là bên trong thịt cắt ra sẽ sẽ còn sống 1 chút. Việt Nam ta thường nấu là cho chín tới nhưng như vậy thịt sẽ dai, nước thịt cũng ra hết, đôi khi bị khô. Ăn như vậy sẽ không ngon nữa. Steak tiêu chuẩn là medium rare - nghĩa là bên trong thịt còn hơi đỏ chưa chín, nhưng mình lại thích rare - còn sống nhiều hơn.

Thịt steak không ướp trước vài tiếng như xào thịt nhé. Chỉ ướp ngay trước khi nấu. Lấy 1 cái tô cho vào 1 muỗng canh dầu olive, 1 nhúm muối, 1 nhúm tiêu. và khuấy đều, đây là phần dầu để ướp thịt. Ngay trước khi cho thịt vào chảo thì nhúng qua tô dầu này và nên dùng tay xoa cho muối và tiêu đều 2 mặt thịt.

Khoai tây gọt vỏ hết. Để nấu nhanh bạn có thể cắt củ khoai tây làm tư hay tám là tùy. Cho khoai tây vào xoong nước lạnh với 1 nhúm muối và nấu chín. Nhớ là phải dùng nước lạnh, bởi vì dùng nước nóng, khoai sẽ bở ra hết khi nấu. Khoai chín khi bạn dùng tăm hoặc muỗi dao đâm vào thấy mềm. Lúc này vớt khoai ra cho ra tô, dùng dụng cụ nghiền khoai hoặc muỗng hay nĩa nghiền nát ra. Sau đó cho 1 muồng cà phê bơ thỏi, 1 muỗng canh kem tươi, 1 nhúm muối và trộn đều lại. Để tô khooai tây nghiền sang bên, khi nào steak sẵn sàng thì cho vào microwave chừng 20-30 giây là khoai sẽ nóng lại ngay, nhớ bọc bằng cling wrap để khỏi dơ lò.

Lấy 2-3 tép tỏi đập dập, lột vỏ và băm cho nhuyễn.

Bắt chảo lên bếp, cho vào 1 muỗng dầu olive và để lửa lớn. Khi thấy dầu bắt đầu nóng, đừng đợi dầu sôi nhé, chỉ vừa nóng, cho và 1/2 muỗng canh bơ thỏi. Lúc này bơ sẽ chảy và chảo sẽ nóng lên nhanh vì vẫn để lửa lớn. Lúc này dùng kẹp gắp miếng steak cho lên chảo, cách mình làm là cho miếng ngay trên miếng bơ đang chảy, lúc này thịt sẽ hút vào mùi thơm và béo của bơ. Sau chừng 1 phút thì trở thịt và chờ thêm 1 phút nữa. Lúc này 2 mặt thịt đã nâu đều và đẹp, bạn dùng kẹp nhấn vào giữa miếng steak thì thấy còn mềm, dùng kẹp gắp miếng steak ra để trên thớt và cho thịt nghỉ chừng 30 giây đến 1 phút, nếu bạn cắt thịt ngay thì nước thịt sẽ chảy đi hết.

Khi đang cho thịt nghỉ thì làm sốt. Trong chảo vừa làm seak, không tắt lửa, cho vào chảo chừng 1 muỗng canh rượu đỏ vào. Lúc này chảo sẽ nghe xèo lên 1 tiếng và có thể bốc lửa nên phải cẩn thận nhé. Cho rượu đỏ vào là để nước thịt dính chảo bị bốc lên hết và mùi sốt thêm thơm ngon. Lúc này vặn lửa nhỏ liêu riêu, lại cho vào 1 muỗng canh bơ thỏi và tỏi băm nhuyễn. Trong 30 giây đến 1 phút, nước sốt sẽ sệt lại, trong khi đó tỏi băm sẽ phi vàng đều rất ngon và thơm, lại còn dậy mùi thơm và béo của bơ, mùi thơm của rượu đỏ, rất ngon. Nếu bạn không thích ăn tỏi thì không cần dùng tỏi. 

Khoai tây nghiền bỏ microwave cho nóng rồi cho ra đĩa. Thái xéo miếng steak, bạn cũng có thể để nguyên miếng nhưng mình chủ trương ăn cho tiện nên cắt luôn đẹp nhất. Xếp thịt cạnh khoai, rưới nước sốt thịt lên trên. Theo cách mình làm, miếng sốt thịt sẽ sền sệt và đặc lại chừng còn chừng 1/2 -3/5 muỗng canh, là vừa đẹp cho đĩa steak.




Mẹo vặt nấu ăn



Luộc rau cải cho xanh:

Nhiều người luộc rau cải khi luộc xong màu bị xỉn đi nhìn rất xấu. Mẹo là trong nước luộc cho vào chừng 1 muỗng canh muối. Muối sẽ giúp rau cải lúc luộc giữ được màu tươi xanh và cũng giúp cho vị của rau cải thêm đậm đà. Nếu luộc rau cải không ăn ngay mà muốn giữ vài tiếng hay thậm chí 1-2 ngày trước khi ăn thì khi cho rau cải vào nồi xong, bạn hãy chuẩn bị 1 thau to nước lạnh với cả nước đá. Sau khi luộc xong thì lập tức cho rau vào thau nước đá lạnh. Nếu không có nước đá để cho nước thật lạnh thì có thể cho rau cải vào rổ và xả ngay dưới vòi nước lạnh. Làm như vậy thì rau cải sẽ lạnh ngay, không còn tiếp tục "tự nấu" do vẫn còn nhiệt nữa. Lúc này chỉ cần cho vào tủ lạnh. Lúc nào ăn thì trụng nhanh 30 giấy -1 phút trong nước sôi là xong.

Luộc trứng không bị nứt:

1 chút muối trong nồi nước luộc trứng là bí quyết.

Hâm đồ trong lò viba - microwave:

Hâm đồ trong microwave tuyệt đối không đậy nắp vì nguyên tắc là thức ăn nóng từ bên trong nên nó sẽ làm bung nắp hoặc có thể là nổ cả lò. Bởi lý do đó nên nhiều người không đậy nắp (khá là nhiều ở VN) và kết quả là microwave dơ cực kỳ sau khi nấu vì đồ ăn bắn lung tung. Vậy là kết quả kế tiếp là dùng cling film (tấm nylon bọc đồ ăn) bao lại đồ ăn khi dùng microwave. Hệ lụy kế tiếp là khi đồ ăn nóng quá, cling film phồng to lên hoặc bị ép vào đồ ăn (do nóng quá, món ăn hút không khí nên cling film bị dính vào) và nhiều người thấy khó khăn với việc này. Vậy cách cuối cùng là khi bao thức ăn bằng cling film, bạn chừa 1 khe nhỏ để hơi nước bốc ra ngoài. Hoặc khi bọc lại, bạn dùng tăm tre đăm vài 3 lỗ nhỏ trên mặt cling film cũng là để cho hơi nước bốc ra ngoài. Dùng cách này thức ăn không bị bắn ra ngoài (hoặc có thì chỉ có vài giọt) mà cling film không bị phồng hay rút vào thức ăn.

Nước mắm ngon:

Kể cả trong nước lẫn nước ngoài thì nước mắm đều chia ra 2 loại: nước mắm ngon (nước mắm nhĩ) và nước mắm mặn (loại thường). Nước mắm nhĩ là đợt nước mắm ra đầu tiên sau khi ướp và ủ cá cơm, nó có mùi vị rất thơm, ngon, đậm đà. Nước mắm mặn bình thường thì mặn là mặn muối, không có vị đậm đà như nước mắm nhĩ. Nếu so sánh với olive oil thì nước mắm nhĩ là extra virgin olive oil và nước mắm thường là virgin olive oil. Hay nói cách khác, khi nấu ăn thì nước mắm thường, khi chấm hay dùng trộn gỏi là nước mắm nhĩ. 

Nếu các bạn ở nước ngoài như mình, mình biết ở Mỹ cũng giống bên Úc nhưng không biết các nước khác thế nào, nếu bạn muốn mua nước mắm mặn thì mua loại nước mắm "con mực", còn nước mắm ngon, mắm nhĩ là nước mắm "ba cua" (hình 3 con cua) hay "con cua". Dạo sau này có nước mắm Salmon của Chinsu mà mình rất thích sử dụng vì mùi rất thơm và đậm đà, thích hợp với chấm món ăn.

Khử mùi hôi miệng khi ăn tỏi:

Bí quyết học từ cô bạn người Mỹ: nhai 1 chút parsley - mùi tây/ ngò tây sẽ giúp khử đi mùi tỏi.

Đồ biển đông lạnh:

Ở Việt Nam thì ít khi mua đồ biển đông lạnh nhưng ở nước ngoài thì đồ biển lại đa phần đông lạnh, nhất là với các loại ốc. Tuy nhiên khi làm các món ốc hay ướp cá bị tanh ở Việt Nam vẫn dùng cách này được. Bí quyết là rượu. Bất kỳ loại rượu gì bạn có trong nhà nhưng cơ bản là rượu trắng, rượu gạo. Dùng rượu ngâm có thể tẩy mùi tanh của đồ biển đong lạnh và giúp ốc nhả nhớt ra, cũng như tăng thêm mùi thơm khi nấu ăn. Bạn cũng đừng lo khi dùng rượu trong nấu ăn. Trừ khi dùng rượu để trộn với các loại sốt, dung dịch và ăn ngay, nếu dùng rượu để ướp thức ăn hay cho rượu vào khi nấu, cồn sẽ bay đi hết và chỉ để lại mùi thơm thoang thoảng. 

Giữ cho thức ăn ngâm giấm hay mứt được lâu:

Các món như tai heo ngâm giấm, chanh muối hay các loại mứt đựng trong keo - hủ/lọ thủy tinh (jar) nếu không khử trùng keo trước khi làm thì món ăn không giữ được lâu. Cách khử trùng là luộc keo với cả nắp trong nước sôi. Sau đó nếu bạn có oven thì cho tất cả vào oven (miệng keo hướng lên trên) ở lửa chừng 150-180 độ C, hoặc dùng máy sấy sấy khô. Và khi muốn cầm keo phải dùng bao tay, không được đụng vào bằng tay vì như thế sẽ lại làm nhiễm trùng keo như cũ. Lúc keo còn nóng (hơi nguội thôi) cho các món ngâm chua hay mứt vào sau đó đây nắp lại và cho vào tủ lạnh. Khử trùng như vậy giúp món ăn giữ lâu hơn, không bị mốc xanh mốc trắng.

Nấu ăn với bơ:

Bơ rất mau cháy nên nhiều bạn mới học nấu ăn, muốn nấu ăn với bơ thì chỉ cho bơ vào chảo thì chỉ 1 phút sau là bơ sẽ cháy ngay. Bởi vậy khi nấu ăn với bơ, trước khi cho bơ vào chảo thì cho vào 1 ít dầu olive hoặc dầu ăn bình thường cũng được rồi mới cho bơ vào.

Vắt chanh:

Vắt chanh sao cho ra hết nước? Cách là lăn chanh trên bàn với tay ấn mạnh vào thì khi vắt chanh sẽ ra nhiều nước. Cách thứ 2 khá là đơn giản nhưng có thể áp dụng cho chanh ở ngoài lẫn trong tủ lạnh là cho vào microwave chừng 2-30 giây, có thể lâu hơn 1 chút nếu chanh trong tủ lạnh bị cứng. 

Miến măng chua cay với chả cá chiên.



Nguyên liệu (cho 1 người ăn):

- 1 muỗng canh mộc nhĩ (nấm mèo) thái chỉ
- 1 muỗng cà phê nước me (có thể thay bằng nước chanh nếu không có)
- 1 trái trứng gà
- 1 trái cà chua
- 1 tép tỏi
- 1 muỗng canh măng
- Miến sợi
- Tom-yum paste (loại paste hoặc sốt dùng nấu lẩu thái)
- Thì là
- Hành lá
- Chả cá chiên

Cách thực hiện:

Đây là pihên bản nhanh gọn, có thể nấu trong vòng 15-20 phút.

Nếu là mộc nhĩ khô thì phải ngâm trong nước ấm cho nở và mềm ra, các loại nấm khô khi ngâm có thể nở lớn gấp vài lần nên phải lưu ý không ngâm quá nhiều.

Nước me có thể mua loại trong chai, nếu không có thể pha me cục (bán ở chợ, dùng nấu canh chua) pha với nước nóng, chua bao nhiêu là tùy khẩu vị. Dùng nước chanh thì vị chua có phần gắt hơn nên cũng cần lưu ý nêm nếm.

Trứng gà đánh tan, nêm với muối. Trứng nêm với muối khi chiên sẽ ra màu vàng tươi, đẹp hơn là với nước tương hay nước mắm (như nhiều nhà thường làm). Dùng chảo to tráng trứng cho thật mỏng rồi cho ra đĩa cho nguội, sau đó thái chỉ.

Miến sợi tùy loại, có loại ngâm nước cho mềm rồi nấu hoặc nấu ngay. Sau khi nấu mềm xả qua nước lạnh.

Măng có thể là loại măng tươi hoặc loại đã nấu và cắt miếng (hình như VN giờ cũng có loại này). Măng tươi đem nấu chín sau đó thái miếng bản vừa ăn, thái càng mỏng thì càng ngon.

Thì là rửa sạch, lặt lá. Hành lá cắt khúc nhỏ. Tỏi băm nhỏ. Cà chua thái vừa ăn (ở đây mình thái chừng 1cm).

Trong nồi, cho chút dầu vào, để lửa vừa. Cho cà chua vào xào. Nên lắc nồi và ít đảo để cà chua đừng nát. 

Khi thấy cà chua hơi mềm, cho tỏi vào đảo. Sau đó cho 1 muỗng canh tom-yum paste, mộc nhĩ và măng vào đảo đều. Cho vào khoảng 2/3 tô nước (dùng tô sẽ ăn miến). Cho vào nước me. Nấu cho sôi lên, sau đó nêm nếm vừa ăn. Tom-yum paste vốn chua cay nhưng độ cay và vị chua không nhiều. Nếu bạn thích ăn cay, có thể cho thêm ớt và xả bằm cùng với tỏi. 

Chả cá chiên (cách làm hẹn lần sau) không cần chiên lại nếu mua tại tiệm, có thể cho vào microwave khoảng 45 giây cho nóng. Sau đó thái lát.

Miến trụng qua nước sôi, cho vào tô. Chan nước lèo vào. Rắc trứng thái chỉ, hành lá, thì là và vài lát chả cá lên trên. 

Nước lèo chua cay rất kích thích vị giác nhưng nếu quá chua có thể làm lở loét bao tử nếu ăn nhiều và trong thời gian dài, miến cũng là thực phẩm thanh mát, không no lâu, nên có thể cho thêm nhiều thứ như chả cá, nấm (các loại chả và giò nếu bạn thích).

Chúc mọi người ngon miệng :)

Miến xào


Vật liệu:

- Miến
- Trứng thái sợi
- Mộc nhỉ thái sợi
- Cà rốt thái sợi
- Măng thái mỏng
- Hành lá
- Ngò
- Mè rang
- Dầu mè
- Tỏi
- Chả cá lát (hoặc sợi)



Thực hiện:

Tỏi đập dập, băm nhuyễn. 

Chảo nóng, cho Tỏi vào phi cho thơm, cho cà rốt vào xào nhanh. Sau đó cho mộc nhĩ và măng vào đảo.



Cho miếng vào đảo, thêm vào khoảng 1 muỗng dầu mè, 1.5 muỗng nước tương, 1/3 muỗng đường.

Đảo nhanh tay cho miến nóng, thêm trứng và chả cá vào đảo thêm 1 lần, lưu ý không mạnh tay để trứng nát. 

Cuối cùng cho ra tô, rắc lên trên chút trứng thái chỉ, ngò và ít mè rang.

Bánh flan mật ong và dưa hấu viên


Bánh flan mật ong và dưa hấu viên

Nhá hàng trên banner, giờ mới có thời gian viết.

Nguyên liệu: (khoảng 1 phần, tùy vào thể lích ly thủy tinh)

- Dưa hấu
- 2 trứng gà
- 1 1/2 muỗng cafe mật ong
- 1 1/4 muỗng kem tươi (thicken cream)
- 1 muỗng canh sữa đặc có đường (condensed milk)
- 2 muỗng canh sữa tươi
- 1/2 muỗng cà phê vanilla extract 
- 3 muỗng canh đường cát
- 3 muỗng canh nước lã
- 1/2 cup cà phê ngon
- Nước đá đập nhuyễn hoặc đá bào
- Lá bạc hà (trang trí)

Cách làm:

Trộn đều các nguyên liệu: trứng gà, mật ong, vanilla extract, sữa tươi, sữa đặc có đường và kem trong 1 tô. Sau đó đổ vào 1 cái jug (bình có tay cầm và vòi - dịch theo từ điển, mọi người click link để xem hình nhé ).

Lấy 1 ly thủy tinh, ly gì cũng được. Hãy ngâm ly trong nước ấm trước khi làm. Nếu siêng thì ấm rồi nóng từ từ. Cách này giúp ly không bị bể khi vào lò.

Dùng jug đổ hỗn hợp trứng gà vào ly (nếu không có thể dùng phễu, mục đích là để trứng k dính vào thành ly) đến độ 2/3 chiều cao ly.

Để làm chín bánh thì có 2 cách:

- Cách truyền thống VN: hấp cách thủy nhưng mình không thích cách này vì sẽ làm cho nước nhễu xuống làm rổ mặt bánh

- Cách 2: dùng lò nướng. Bật lò nướng ở 170-180 độ C (lò số 3-4). Trong 1 cái khay nướng sâu lòng (deep baking tray), lót 1 tấm khăn dưới đáy, đặt ly flan lên trên, sau đó đổ nước sôi vào đĩa nướng khoảng 2/3 ly flan (nghĩa là ít nhất ngang mức với custard bên trong ly hoặc hơn 1 chút, nhưng không được bằng miệng ly). Vì cách này đổ nước sôi vào lên phải làm ấm ly thủy tinh trước vì nếu không ly có thể nứt hoặc bể. Cho vào lò nướng khoảng 15-20 phút hoặc cho đến khi bánh vừa chín.

Bánh chín thì cách thử nhà nhà dùng là dùng tăm tre chọc vào nếu bánh không dính thì là chín nhưng mình không thích cách này vì đã mất công làm mặt bánh đẹp, không rổ, giờ lại đâm vào thì xem như là phí công. Nên chỉ đơn giản bánh chín thì lắc nhẹ ly sẽ không thể sóng sánh nữa. Vậy là vừa chín, ăn sẽ mềm, nếu bánh chín quá sẽ cứng. Việc lót 1 chiếc khăn dưới đáy khay nướng là để tránh bánh bị chín quá. Vì nếu để ly trực tiếp lên khay, nhiệt từ lò truyền qua khay sẽ qua ly trực tiếp. Nhưng dùng khăn thì khăn thấm nước nên nhiệt độ làm chín bánh luôn cân bằng, giảm bớt nguy cơ bánh chín quá. 

Bánh chín thì đem ly ra ngoài, để nguội rồi cất vào tủ lạnh giữ lạnh vài giờ trước khi ăn.

Làm sốt cà phê: cho 3 muỗng đường, 3 muỗng nước vào nồi nhỏ có tay cầm. Dùng lửa liêu riêu nấu cho đến khi đường tan hết.

Cho 1/2 cup cà phê ngon vào và nấu lửa vừa cho đến khi hơi sệt lại thì tắt bếp, cho ra chén hay ly, giữ lạnh. Cà phê tùy sở thích có thể dùng cà phê hòa tan hoặc pha cà phê phin, độ đậm nhạt tùy người mà thêm bớt đường hoặc cà phê. Nếu không thích thì dùng cà phê pha thông thường cũng không sao.

Dùng dụng cụ khoét dưa (melon baller) để khoét thành những viên dưa hấu, giữ lạnh.

Khi ăn, rưới nước sốt cà phê lên bánh, thả vào 1-2 muỗng cà phê nước đá đập nhuyễn, hoặc đá bào, bên trên để vài viên dưa hấu mát lạnh và lá bạc hà. Vậy là có món tráng miệng mùa hè mát lạnh :D

Cháo cá hồi


 
 
 
Nguyên liệu:
 
- 500gr fillet cá hồi
- 200gr sườn non
- 100 - 150g gạo
- Củ hành tím, tỏi, gừng, hành lá, hành phi
- Phô mai (nếu không quen với vị phô mai, bạn nên dùng phô mai dành cho các bé sẽ đỡ béo hơn).
 
Bước 1:
 
Cá hồi rửa sạch, kiểm tra lại xem còn xương không. Chia làm hai phần, một phần thái lát mỏng để xào.
 
Phần còn lại bạn cất vào tủ đông đá 15 phút sau đó lấy ra cắt lát thật mỏng, bày ra đĩa nhỏ, cất ngay vào ngăn mát tủ lạnh.
 
Bước 2:
 
- Hành lá và gừng xắt sợi nhỏ. Hành tím và tỏi bằm nhỏ.
- Sườn non rửa sạch với nước muối.
- Đun sôi một nồi nước, thêm ít muối và thả sườn non vào, đợi sôi trở lại vớt bọt cho nước dùng được trong, vặn lửa nhỏ đun cho sườn ra chất ngọt trong khoảng 1 giờ rồi vớt sườn ra nếu không muốn ăn kèm sườn trong cháo; mình vẫn để nguyên cả sườn.
 
Bước 3:
 
Gạo vo sạch.
 
Cho gạo và nước vào nồi cơm điện để nấu thành cháo. Dùng nồi cơm điện nấu cháo thì thời gian nấu sẽ nhanh hơn và không phải canh chừng sợ cháo trào.
 
Bước 4:
 
Làm nóng ít dầu ăn trên chảo, cho hành tỏi băm nhỏ vào phi vàng.
 
Cho phần cá hồi mà bạn không cất trong ngăn mát tủ lạnh vào xào, nêm nước mắm, đường, tí bột nêm, đảo đều cho cá chín vàng.
 
Xào đến khi cá săn lại có màu vàng sậm là được.
 
Bước 5:
 
Trút phần gạo đã thành cháo vào nồi đun sườn, nêm nếm vừa ăn - với cách này mình có thể điều chỉnh độ loãng đặc của cháo một cách dễ dàng.
 
Tắt bếp, cho phô mai vào quậy đều. Bạn đừng nên bỏ phô mai vào lúc cháo đang sôi trên bếp, sẽ không tốt cho sức khỏe đâu nhé!
 
Múc cháo ra tô, cho phần cá hồi trong ngăn mát tủ lạnh lên trên, múc thêm tí cháo chan trên mặt cho chín cá, thêm hành lá, hành phi, gừng xắt sợi. Rắc phần cá hồi xào lên mặt cháo, rắc tiêu và dùng nóng.
Món cháo cá hồi phô mai là một sự kết hợp ẩm thực Á Âu - mang đến cho người thưởng thức vị béo của phô mai hòa quyện với vị ngọt của cá hồi. Nếu bạn ăn được cá hồi sống, có thể dọn đĩa cá thái mỏng còn sống, vắt chanh và ăn kèm với cháo cũng là một trải nghiệm thú vị.
 
 
Vào tiết trời se lạnh cuối năm, còn gì bằng cùng cả nhà quây quần bên bát cháo cá nóng hổi thơm lừng. Món cháo nhẹ bụng nhưng đầy đủ dinh dưỡng, hy vọng sẽ được các thành viên trong gia đình bạn yêu thích trong mùa đông năm nay!