----------------------------
by Cobebandiem
1. Lựa chọn mua củ Thuỷ Tiên
Củ Thuỷ tiên có thể mua được ở Chợ Bưởi, Chợ Mơ và một số nơi bán cây cảnh khác ở các vùng lân cận, hầu hết có xuất xứ từ Phúc Kiến Trung Quốc.
Khi chọn mua củ, chú ý chọn các củ bóp nhẹ vào thấy chắc, không lốp, có càng nhiều củ phụ càng cho nhiều hoa. Củ phụ phải là các củ tròn và đã phình to chứ không phải các nhánh nhỏ tí tẹo. Cầm củ lên thấy chắc tay kiểu như chọn Bưởi là tạm ổn.
Tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, củ Thuỷ tiên thường được nhập về vào đầu tháng 11 Âm Lịch, khoảng giữa tháng 11 đi chọn mua là vừa. Để dễ bảo quản và đầu tháng thì tiến hành gọt.
Đây là hình ảnh củ Thuỷ tiên mới mua về . Dưới củ thường có lớp đất bọc khô vào, mục đích để hút ẩm trong không khí để bảo quản củ, củ thuỷ tiên nếu gặp ẩm mầm nó phát triển rất nhanh như củ hành, dẫn đến ra hoa không đúng thời điểm như mong muốn, Do vậy, khi mua về, không nên vội vàng bóc bỏ nó đi, mà chỉ khi nào chuẩn bị gọt mới tiến hành bóc bỏ.
2. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA VIỆC GỌT TỈA CỦ THUỶ TIÊN
- Nhằm tạo ra củ Thuỷ tiên có hình dáng đẹp và nghệ thuật
- Nhằm điều chỉnh cho hoa ra đúng thời điểm mong muốn. Thường người ta mong muốn Thuỷ tiên nở đúng chiều 30 Tết, trước thời điểm làm lễ cúng mời ông bà tổ tiên về ăn Tết. Nếu được đúng như mong muốn thì theo quan niệm của các cụ là rất may mắn và cầu chúc được trường thọ, có nhiều tài lộc. Tuy nhiên nở trước 1 vài ngày cũng không sao, cứ có hoa là có tài lộc nhiều, có hoa chơi Tết là đã rồi.
. THỜI ĐIỂM TIẾN HÀNH GỌT THUỶ TIÊN
- Nếu sau khi gọt chỉ ngâm nước sạch thì khoảng 20-25 ngày với nền nhiệt độ trung bình 18độ C
- Nếu gọt xong giâm cát thì khoảng 18-20 ngày là nở bông đầu tiên
(đây là theo kinh nghiệm thực tế tại Hà Nội của em, tại nơi khác với nền nhiệt độ khác sẽ có sự khác biệt, thời tiết càng ấm, càng nhanh nở).
Theo kinh nghiệm của chị Vườn Huế ở miền Trung, sau khi gọt và giâm vào cát khoảng 15 ngày là nở. ở Miền Nam có nắng nóng, em nghĩ cũng khoảng thời gian như trên.
Như vậy, có thể tạm xác định: thời điểm gọt Thuỷ tiên ở Miền Bắc là từ 1-5 tháng Chạp, ở Miền Trung và miền Nam khoảng 15 tháng Chạp.
4. CÁC PHƯƠNG PHÁP ƯƠM THUỶ TIÊN
- Cách 1: không cần gọt tỉa, giâm thẳng vào cát ẩm. Làm theo cách này mất khoảng 30 ngày sẽ ra hoa.
- Cách 2: gọt tỉa,mục đích cũng nhằm để lộ mầm hoa ra, mầm hoa sẽ phát triển nhanh hơn so với không gọt. Gọt xong có thể uơm thẳng vào nước hoặc giâm vào cát.
ưu-nhược điểm của từng phương pháp:
- Giâm vào cát trực tiếp không qua gọt tỉa, củ Thuỷ tiên sẽ phát triển chậm hơn, hoa ra chậm hơn, lá sẽ dài và to, rễ củ cũng sẽ rất dài và trắng. Nhiều người không thích hình dáng của củ giâm theo cách này, vì lá dài loà xoà trông như cụm cỏ voi, ít ý nghĩa. Tuy nhiên, làm theo cách này rất nhàn, không phải thay nước hàng ngày mà chỉ cần tưới ngày 2 lần và chờ đợi là được.
sau khi cây sắp trổ bông thì nhổ lên khỏi cát, rửa sạch sẽ cát bẩn, dùng chổi lông quét sạch bẩn trong nước sẽ dễ dàng hơn. Sau đó đặt vào ly thuỷ tinh để trưng bày, ly thuỷ tinh cũng có nhiều hình dáng, tuỳ theo ý thích của mỗi người mà sử dụng.
Đây là hình củ Thuỷ tiên được giâm vào cát
- Nếu gọt tỉa, thì sẽ tạo được hình dáng như mong muốn, nếu ngâm vào nước thì phải thay nước hàng ngày và dùng chổi quét sơn rửa sạch sẽ rễ và mặt cắt. Tuy nhiên rễ cây s
sẽ không dài, nhưng rễ thẳng trông như chòm râu bạc. Nếu gọt xong giâm vào cát, rễ sẽ dài hơn, ít phải tưới hơn, nhưng rễ hay bị quăn do phải chui rúc vào cát. Nhiều người không thích rễ quăn vì cho rằng...đó là hình tượng râu quặp...hix
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của em thì sau khi gọt xong nên giâm vào cát để cho bộ rễ dài, khắc phục rễ bị cong bằng cách chọn chậu giâm cát dài hình ống, dùng cát sạch, mịn, ngâm thẳng chậu trong nước để đỡ phải tưới, bộ rễ sẽ dài, sáng và ít quăn.
Đây là một bình thuỷ tiên được cắt gọt rất nghệ thuật, cái này phải có rất nhiều công phu mới làm được, mình chỉ dừng lại ở việc thưởng thức ở mức trung bình là đủ:
5. DỤNG CỤ GỌT THUỶ TIÊN
- Dao chuyên dụng để gọt, có thể mua ở Phố Nguyễn Khuyến Hà Nội, hoặc đặt gia công theo hình dáng
(ảnh do bác Coden cung cấp)
Nếu có đủ các thứ trên thì tốt, không có thì chỉ cần 1 cái cũng được, em thì chỉ dùng 1 cái dao vát có 2 đầu như trong hình là đủ. Các bác không có dụng cụ chuyên dụng thì dùng dao nhọn cỡ nhỏ dao thái gọt hoa quả cũng OK, không vấn đề gì cả, chỉ cần tỉ mỉ hơn 1 chút và cẩn thận hơn 1 chút.
Con dao gọt thường có 2 đầu:
- đầu vát hoặc hình bầu dục dùng để rạch, sẻ, cắt
- đầu móc câu: dùng để khoét thịt củ giữa các mầm. Nếu các bác không có dao 2 đầu thì dùng cái thìa cà phê có chuôi quăn, mài sắc đi một chút cũng Ok.
(ảnh do bác Coden cung cấp)
6. CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI GỌT
- Củ khô lấy dao kéo, cắt bỏ lớp lưới bên ngoài, đập vỡ đất bọc củ, bóc sạch các lớp vỏ khô bên ngoài, cạy bớt phần đen dưới đáy củ (lưu ý, cạy vừa phải không làm kỹ quá, vì đó là chỗ phát triển rễ của củ thuỷ tiên)
- Đem ngâm vào nước khoảng 2 ngày, sau đó xả qua nước cho sạch, chuẩn bị đưa em lên bàn mổ.
ở miền Bắc em thường ngâm củ vào mồng 1 tháng chạp, sau đó ngày mồng 3 vác ra gọt
. CÁC BƯỚC GỌT CHI TIẾT
Thuỷ tiên sau khi ngâm 2 ngày
Bẻ bớt các mầm bé tí mọc linh tinh trước mặt (H2)
- Cầm dọc con dao, dùng mũi dao, rạch 1 đường ngang thân củ cách đáy củ khoảng 1.5cm là vừa. (Hình 3)
- Sau đó rạch dọc hai bên theo hình vòng cung (Hình 4)
- Cạy nhẹ lớp vỏ và lột ra (Hình 5)
Làm tiếp tục như vậy cho đến lớp trong cùng
H2: Bẻ màm mọc không đúng chỗ
Rạch ngang thân củ chính 1 đường
H3: Rạch ngang thân củ chính
Rạch dọc 2 bên theo hình vògn cung, tránh các mầm phụ 2 bên nách của chính
H4: Rạch dọc 2 bên
Lột dần từng lớp vỏ cho đến trong cùng
H5: Lột vỏ dần từ ngoài vào trong
Lột đến khi lộ ra mầm chính và các mầm phụ 2 bên thì tiếp tục xử lý như trên đối với vỏ của mầm chính
H6: Lột vào trong
Trong quá trình gọt, nếu gặp các mầm nhỏ càn đường, cắt bỏ không thương tiếc, chỉ lấy các mầm xếp thằng hàng so với mầm chính
H7: Gặp mầm nhỏ, cắt bỏ
Xén ngang để cắt mầm nhánh nhỏ mọc không đúng chỗ
H8: xén ngang chân mầm nhỏ
Tách mầm nhỏ, vứt bỏ đi
H9: Vứt mầm nhỏ
Gần đến lớp trong cùng, khi sắp chạm mầm chính, dùng dao cắt cho nhanh
H10: Cắt lớp thịt trong cùng
Khi mầm chính và các mầm phụ thẳng hàng đã dần lộ rõ, dùng chuôi dao hoặc đuôi thìa cà phê mài sắc, cạo hơi sâu 1 chút vào lớp thịt củ giữa các mầm để các mầm lộ rõ
H11: khoét thịt củ giữa các mầm
Chú ý khoét vừa phải đủ để bóc vỏ mầm chính và mầm phụ hai bên là đủ, không cần khoét sâu quá, dễ chạm các mầm ngủ bên dưới
H12: Khoét vừa đủ
Sau khi khoét rãnh giữa các mầm thằng hàng, ta bóc bao mầm để cho lộ mầm hoa ra, nếu các bác làm quen thì có thể lựa theo kẽ lá, xẻ 1 đường từ trên xuống dưới và bóc nó ra. Tuy nhiên, nếu chưa quen, nếu mạnh tay 1 tí là cắm vô mầm hoa ngay lập tức, hì......Nếu trong quá trình gọt, cạo, các bác thấy màu vàng nghệ lộ ra tức là các bác đã tương vào mầm hoa rồi đó...he he.....
An toàn nhất là làm theo cách này:
Các bác lựa mũi dao từ bên trên đỉnh mầm, khéo léo lựa mũi dao chui vô cái bao bọc mầm cây, xẻ nó ra và bóc từ từ, đảm bảo 100% không dính mầm hoa.
H13: Dùng mũi dao xé bao mầm cây ra
Lùa đầu dao dọc theo chiều dài của mầm cây, tựa như các bác làm lòng gà ý, tự nó bóc ra, bóc ra thì cắt bỏ nó, chú ý nhẹ tay tránh làm xước lá, kẻo nó quăn qoeo không theo ý muốn của mình.
H14: tách bao mầm ra(kích vào ảnh để xem ảnh lớn)
Tiếp tục lùa dao với cạnh bên kia của mầm cây, thế là mầm hoa đã lộ ra
H15: Bóc tiếp bao mầm bên cạnh
vận dụng chưởng pháp này với các mầm bên cạnh mầm chính, các bác cứ cắt tà lưa các mầm bên cạnh, cốt để lộ cái mầm hoa ra, tí nữa xử lý tiếp, không cần gọn gàng ngay làm gì
H16: xé bao mầm các mầm bên cạnh mầm chính
Các mầm loe ngoe khác cũng xé tương tự, các bác cứ vùi hoa dập liễu cho em, nó không hỏng đâu mà sợ, hỏng làm lại...hĩ hĩ....
H17: xé bao mầm loe ngoe
Hổi sáng làm cuốc rượu, máu nóng nổi lên, em vận công mạnh quá, bục mất 1 mầm hoa, các bác có nhìn thấy cái đốm màu vàng nghệ không, hoa đấy ạ...hi hi...không sao hết, ta tiếp tục
H18: Lỡ chạm mầm hoa
Bên cạnh củ to chính giữa thường có các củ con con mọc chìa xung quanh, về nguyên tắc thì làm từng bước bóc vỏ như ban đâu, tuy nhiên, vì củ nó nhỏ, các bác cứ làm thế này cho em, hỏng thì vứt, tỉ lệ thành công là 90%, hê hê.....
Dùng lưỡi dao, xấn sâu vừa phải xuống ngang thân củ 1 phát, xấn vừa thôi nha, kẻo đứt luôn củ thì tội nó lắm, sau đó lùa lưỡi dao ngược lên trên, cắt vát 1 phát cho nhanh.
H19: Gọt củ con
Hất ngược dao lên 1 phát là em nó ra luôn. Nếu các bác dùng dao gọt hoa quả thì cẩm ngang con dao ra, cắt 1 đường là xong
H20: cắt sâu vừa phải tránh đụng mầm
Xong lại áp dụng chiêu thức hồi nãy, xỏ dao từ trên xuống, xé bao mầm hoa của củ nhánh
H21: xé bao mầm củ nhánh
Bóc bao mầm cả 2 bên củ con
H22: bóc bao mầm củ con cả 2 bên cho lộ hoa
Các củ con khác lớn hơn bên cạnh, ta xử lý tương tự các bước như trên
H23: gọt củ nhánh
Sau một hồi đục đẽo, khoét gọt, củ nó ra thành thế này, thảm thương quá, hix...
H24: Gọt xong cơ bản
Củ mới gọt xong cơ bản trông nham nham nhở nhở đáng thương lắm, bây giờ các bác dùng đến kéo để phẫu thuật chỉnh hình cho em nó, cắt tỉa râu ria cho gọn gàng, cắt bỏ các miếng vỏ bị đen
H25: Dùng kéo tỉa của
Lùa mũi kéo dọc theo các chỗ cần cắt tỉa và cắt phứt nó đi
H26: lùa mũi kéo từ trên xuống, để cắt tỉa
Cắt sửa theo chiều ngang
H27: cắt sửa theo chiều ngang
Củ đã sửa xong, trông oách ra phết
H28: củ đã sửa xong
Tiếp theo, tạo hình lá
Nguyên tắc chung: xén lá theo chiều nào thì nó cong theo chiều đó, do đó, tuỳ ý thích của các bác muốn là cong, võng, vặn, xoắn, vẹo,nghiêng, thẳng,.... mà xử lý.
Dùng lưỡi dao đi 1 đường từ trên đỉnh lá xuống dưới gốc, chú ý tránh tương vào mầm hoa
H29: Xén lá
Xén từ trên đỉnh xén xuống, làm từng lá một cho chắc ăn nha
H30: xén là từ đỉnh xuống, từng lá một
Nếu các bác thích lá lên thẳng 1 đoạn, rồi quặp xuống giống như quả Phật Thủ thường bày mâm ngũ quả dịp Tết, thì xén 1/3 của lá thôi
H31: Tạo hình lá móc câu
Thành quả sau khi xén lá
H32: Thành quảkích vào ảnh
Sau đó, úp củ đã gọt vào chậu nước sạch, nó sẽ chảy nhựa nhớt nhờn nhợt,,,ghê ghê rừ các vết cắt, vài tiếng 1 lần, các bác dùng chổi lông quét sơn, chùi vào các vết cắt, xả sạch, ngâm lại bằng nước khác, khoảng 2 ngày sau là hết nhớt
H33: Ngâm xả nhựa củ
Sau khoảng 2 ngày, củ đã hết nhựa, sờ vào vết cắt sạch bong kin kít là ok, các bác mang vào thuỷ dưỡng, gọi là thuỷ dưỡng cho oách, chứ nôm na là tương nó vào nước.
Nước dùng thuỷ dưỡng, nếu có nước mưa là tốt nhất, củ sẽ sáng sạch và ít bị thâm. Không có dùng luôn nước máy cũng được, nếu thâm chỗ nào, khi mang trưng bày dùng kéo cắt bỏ là xong, lại trắng gì mà sáng thế ngay thôi ạ.
Chậu thuỷ dưỡng, nếu các bác gọt nhiều có thể dùng hộp xốp và lưới như bài trên hưỡng dẫn, nếu gọt 1 vài củ thì tương luôn vào ly thuỷ tinh, chú ý thay nước hàng ngày và dùng chổi lông, chà sạch các vết cắt. BBí quá như em, trộm bát ô tô múc canh của vợ, hị hị,,,kê mấy hòn sỏi bên dưới cho cân củ, phủ một lớp vải trắng lên trên vết cắt, đổ nước vào. Các bác có thể dùng cái khăn ướt của chị em hay dùng để phủ lên cũng được, nhớ giặt sạch trước khi dùng
H34: Thuỷ Dưỡng
Nếu làm nghiêm chỉnh thì cần theo kiểu này
Nếu muốn có bộ rễ dài như râu ông lão bạc phơ, thay vì thuỷ dưỡng, các bác tương vào cát ẩm cho em, lấy 1 cái chậu sâu hoặc cái gì đó hình ổng là được, đổ cát vào đó, ngâm xuống hồ nước để nước ngấm ngược lên trên, đỡ phải tưới nhiều, nếu không ngâm được thì ngày tưới cho nó 2 lần. Sau khi chuẩn bị ra hoa, ta nhổ lên, dùng chổi lông chà sạch cát bám vào, dùng dao kéo cạo, cắt các vết thâm đi, thả vào lọ, thế là ta chờ đợi giây phút hoa hé mở bông đầu tiên, ôi hương thơm dạt dào, ngạt ngào và nồng nàn lắm các bác ạ
H35: Giâm vào cát ẩm
Sau khi nụ đã vươn cao, nhổ ra khỏi cát, rửa sạch cho vào ly, chờ hoa nở....
Cây này em không xén lá để thử nghiệm kiểu xè tà nhưng thất bại, trông nó loằng tà là ngoằng, đến chán, nhưng không sao, có hoa là tốt rồi, em thường tự an ủi mình thế, hị hị....
H36: Trưng bày chờ hoa nở
4. Xén lá :Các lá thủy tiên, nếu không được xén tỉa thì sẽ luôn mọc thẳng lên tua tủa, nhiều khi che lấp mất hoa nên không được đẹp lắm. Do vậy, muốn lá mọc thấp và uốn lượn phía dưới hoa thì ta phải xén lá. Xén lá theo cạnh nào thì nó sẽ uốn lượn theo cạnh đó . Dùng dao lưỡi vát rạch một chút trên ngọn lá rồi dùng dao máng xén dọc theo chiều dài của lá cho tới tận cuống lá.
- Tạo lá cong hình móc câu : gọt, cạo một chút đằng sau lá từ ngọn lá cho tới giữa lá hoặc tới gốc lá, tùy theo bạn muốn cong ít hoặc cong nhiều.
- Tạo lá lượn vòng tròn : Từ đỉnh lá xén đi 1/3 tới ½ độ rộng của lá từ ngọn lá cho tới gốc lá.
- Linh tinh : kết hợp cả hai loại trên
5. Cạo cuống hoa :
Cũng như lá, nếu không tác động, trụ hoa thủy tiên sẽ cùng nhau mọc thẳng và trên đỉnh sẽ là một chùm những bông hoa nhỏ. Nếu muốn cuống hoa cong nghiêng nghiêng thì ta dùng dao cạo nhẹ lớp vỏ mỏng của cuống hoa ngay dưới đế bao hoa. Cạo chiều nào, hoa sẽ cong theo chiều đó. Có thể cạo một chút, có thể cạo từ đế bao hoa cho tới gốc cuống hoa, tùy theo yêu cầu tạo hình cong ít hay cong nhiều. Cần chú ý kẻo đứt cuống hoa.
No comments:
Post a Comment